Anh Ngô Văn Sáu, xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học hỏi. Anh đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri6 mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
Anh Sáu đang chống nhánh sầu riêng.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, anh Sáu phấn khởi tâm sự: Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động vất vả. Anh nhớ lại thời gian trước đây, đời sống kinh tế khó khăn, gia đình có 7 công đất sống bằng nông nghiệp và làm lúa là chính, thấy lúa hiệu quả kinh tế không cao nên anh chuyển sang trồng nhãn tiêu, nhãn bị bệnh chổi rồng tấn công không thu hoạch được, anh bỏ nhãn và đầu tư sang trồng sầu riêng khổ qua, trái nhiều nhưng giá không cao. Gia đình anh một lần nữa quyết định chuyển sang trồng sầu riêng Ri6 xen lẫn sầu riêng khổ qua, lần này đất không phụ lòng người, sầu riêng phát triển tốt đúng như mong đợi của gia đình.
Hiện tại, với 7 công đất anh Sáu đều trồng sầu riêng Ri6, anh Sáu chia sẻ: “Do mạnh dạn chuyển đổi từ sầu riêng khổ qua sang sầu riêng Ri6, đến nay các cây đều cho trái đều. Nhiều người không dám chuyển từ sầu riêng khổ qua sang Ri6 vì thời gian trồng đến ngày cho trái khá lâu, riêng tôi không đốn ngay sầu riêng khổ qua mà đợi đến khi Ri6 gần cho trái mới đốn dần sầu riêng khổ qua”.
Do chưa có kinh nghiệm nên lúc đầu anh để cây ra trái tự nhiên theo mùa, năm nào cứ đến mùa thu hoạch thì giá ở mức thấp nên lợi nhuận không cao. Thấy vậy, anh Sáu tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc sầu riêng. Từ đó, nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong xử lý cây ra hoa cho trái nghịch vụ nên vụ nào cây cũng cho trái sai, chất lượng tốt, năng suất cao.
Chỉ vào cây sầu riêng đầy trái, anh Sáu phấn khởi nói: “Hiện tại, tôi bán sầu riêng Ri6 với giá hơn 60.000 đồng/kg, lúc cao điểm có khi hơn 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi, gấp ba so với mùa thuận. Vụ này, 7 công đất này, tôi thu hơn 13 tấn trái, sau khi trừ các chi phí, vụ sầu riêng này gia đình tôi lãi hơn nửa tỷ đồng”. Ngoài việc chăm sóc đúng kỹ thuật cho cây sầu riêng, anh Sáu còn xây dựng hệ thống vòi phun nước tự động để tưới cho cây. Vì theo anh Sáu, cách làm này vừa tiết kiệm được tiền mướn nhân công, vừa đảm bảo cây ướt đều với lượng nước vừa đủ.
Anh Sáu cho biết: “Vào mùa mưa cây sầu riêng ra đọt thường xuyên, lúc đó đậy gốc bằng nilon không cho nước mưa thấm vào gốc, cây sẽ không ra đọt non được thì sẽ ra hoa. Nhưng phải bón phân vào gốc, xịt phân bón lá và chăm sóc làm cho cây “sung” lên từ vài tháng trước. Chẳng hạn muốn có trái để bán vào tháng hai âm lịch thì phải xử lý từ tháng 4 đến tháng 9. Khó nhất là không để cho cây ra đọt, trong khi cây được chăm sóc tốt thì sẽ ra đọt non. Vì vậy phải đậy cho cây khô gốc và xịt phân kali vào đọt cho chai sần không ra được”.
Theo thống kê, hiện toàn xã Ngũ Hiệp có diện tích đất trồng cây ăn trái gần 1.700 ha, trong đó sầu riêng hơn 1.500 ha với năng suất mỗi năm đạt từ 28.000 đến 32.000 tấn. Nhờ cây sầu riêng mà nhiều hộ gia đình khó khăn tại xã đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Một số tỉ phú nông dân đã xây biệt thự trên vùng đất cù lao này nhờ xử lý sầu riêng cho trái nghịch vụ.
Ngoài ra, anh Sáu còn chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch: “Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng trái, chúng ta cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết. Việc bón phân là quan trọng nhất, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”: Đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách, chia làm 3 đợt bón tuỳ theo giai đoạn phát triển của cây. Trước khi bón nên dùng cuốc xới nhẹ quanh tán cây, tránh làm tổn thương cho rễ hoặc đào rãnh xung quanh theo tán cây, sau đó bón phân và lấp đất lại. Bón vào khoảng 10 – 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất”.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn định hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng, đặc biệt khuyến khích bà con chuyển đổi các loại cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri6. Anh còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ, nâng cao hiệu quả vườn chuyên canh. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh Sáu còn là người tiên phong trong các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, vận động bà con hiến đất làm đường, tạo sự khang trang, đổi mới trong xóm làng.
Anh Trần Hữu Toàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Hiệp khen ngợi: “Anh Sáu là một trong những nông dân của xã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả và có những hướng đi đúng đắn. Từ đó, có những định hướng thiết thực giúp nhiều hộ nông dân khác chuyển đổi, đầu tư vào những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao”.
Sau bao năm miệt mài phấn đấu, anh Sáu đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất, thửa ruộng của gia đình mình. Anh đã xây dựng được ngôi nhà “bề thế”, đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị, các con được học hành đến nơi đến chốn. Hiện đứa con lớn của anh đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều năm liền, gia đình anh được tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Theo baotiengiang.net